CHỮ CHẠY

KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN CỰU HỌC SINH NGUYỄN GIA THIỀU NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG, VẠN SỰ AN LÀNH.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Nguyễn Gia Thiều xưa và nay: TIỂU SỬ TRƯỜNG NGUYỄN GIA THIÊU

Nguyễn Gia Thiều xưa và nay: TIỂU SỬ TRƯỜNG NGUYỄN GIA THIÊU:

Trường Trung học Nguyễn-Gia-Thiều tọa lạc tại đường Nguyễn-văn-Thoại thuộc quận Tân-Bình, tỉnh Gia-Định.  Trường được xây dựng trong khuôn viên Nhà Giây Thép Gió gần Ngã tư Bảy Hiền.  Khác với đa số các trường khác thường được xây dựng bởi Bộ Giáo-Dục Việt-Nam, riêng trường Trung học NGT được xây cất nhờ sự giúp đỡ của Công binh Hoa-kỳ và tiến trình xây cất do một Uỷ ban thuộc Giáo xứ Nghĩa-Hòa đảm nhiệm.  Trường lúc đầu kết hợp với trường Tiểu học tọa lạc ở gần đó với tên gọi chung là trường Trung Tiểu học Nghĩa-Hòa do ông Nguyễn-ngọc-Tích làm Hiệu trưởng, còn tôi mới được đổi về với chức vụ Phụ tá Hiệu trưởng Đặc trách Trung học.  Trường bắt đầu được thi tuyển lớp 6 (đệ Thất) vào niên khóa 1969-1970.  Nhưng khi thi tuyển xong vào tháng 9 năm 1969 thì trường chưa xây cất xong và lớp học cũng chưa trang bị đầy đủ bàn ghế nên phải học nhờ ở trường Tư thục Tuấn-Đức (ở gần đó) chừng 3 tháng, sau đó chuyển về trường chính.
    Sang niên khóa 1970-1971, Ty Học Chánh Gia-Định có gửi Thông tư cho tất cả các trường Trung Tiểu học trong tỉnh Gia-Định yêu cầu tách riêng phần Trung học ra khỏi Tiểu học và đặt một tên mới cho trường (phần Trung học) có tính cách đại chúng thay vì địa phương.
    Khi trường được tách ra, với cương vị là Hiệu trưởng phần Trung học, tôi có nhiệm vụ đề nghị một tên mới cho trường.  Lúc đó tôi nghĩ rằng phải chọn tên của một Danh nhân về Văn học (thay vì Chính trị) để tên trường có thể tồn tại mãi mãi với thời gian dù sau này nếu có thay đổi Thể chế về Chính trị.
    Lúc bấy giờ có bốn Thi phẩm lớn được đưa vào chương trình Văn chương Việt-Nam thuộc bậc Trung học:
     _Thi phẩm thứ nhất là Truyện Kiều (hay Đoạn Trường Tân Thanh) mà tác giả là Nguyễn-Du.
     _Thi phẩm thứ hai là Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm do Nữ sĩ Đoàn-thị-Điểm biên soạn.
     _Thi phẩm thứ ba là Lục Vân Tiên sáng tác bởi Nguyễn-đình-Chiểu.
     _Thi phẩm thứ tư là Cung Oán Ngâm Khúc mà tác giả là Nguyễn-Gia-Thiều.
    Thời đó miền Nam Việt-Nam thuộc Chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa, đã có các trường Trung học Nguyễn-Du, Đoàn-thị-Điểm và Nguyễn-đình-Chiểu; do đó tôi đã đề nghị tên trường mới là Trung học Nguyễn-Gia-Thiều lên Ty Học Chánh Gia-Định và được Bộ Giáo Dục chấp thuận.
    Vào niên khóa 1973-1974, trường Trung học NGT có mở thêm Hệ thống lớp đêm.  Căn cứ vào báo cáo niên học 1974-1975 thì Tổng số Học sinh trường Trung học NGT gồm Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp, kể cả Học sinh lớp ngày và lớp đêm vào khoảng hơn 2,500 Học sinh và Tổng số Nhân viên nhà trường gồm Giáo sư, Giám thị và Nhân viên Hành chánh chừng 70 người..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét